Quang cảnh Hội chợ kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật Bản - ASEAN. Ảnh: Huy Tiến - P/v TTXVN tại Thái Lan

Sự kiện quy tụ hơn 60 công ty khởi nghiệp đổi mới từ Nhật Bản và 5 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Campuchia, Indonesia , Lào, Thái Lan và Việt Nam tham gia.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Nhật Bản tại Thái Lan Otaka Masato cho biết, kể từ năm 2021, Ngân hàng Krungsri (Thái Lan) và Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với các cơ quan xúc tiến kỹ thuật số từ nhiều quốc gia khác nhau như DEPA từ Thái Lan, Techo Startup Center từ Campuchia và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) từ Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực.

Đại sứ Otaka nhấn mạnh trong năm thứ hai diễn ra sự kiện khu vực đáng chú ý này, hội chợ là dịp để các công ty khởi nghiệp sáng tạo mang đến các công nghệ liên quan đến ESG (Môi trường - Xã hội và Quản trị), tự động hóa nhà máy, công nghệ y tế, công nghệ logistic và công nghệ sâu để khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững. Ông bày tỏ tin tưởng các hội thảo với các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu từ Campuchia, Indonesia và Việt Nam tại hội chợ lần này sẽ tạo điều kiện mở rộng doanh số bán hàng và đẩy nhanh dòng chảy thương mại trên khắp Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong phát biểu qua video gửi tới hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Trung tâm vinh dự là đơn vị đồng tổ chức Hội chợ kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật Bản - ASEAN năm nay.

Gian giới thiệu của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tại hội chợ. Ảnh: Huy Tiến - P/v TTXVN tại Thái Lan

Ông Huy cho biết trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một ngọn hải đăng của khu vực về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới nhờ quyết tâm cao độ của Chính phủ lấy đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển bền vững. Với vai trò là một trung tâm hỗ trợ năng động cho các công ty khởi nghiệp, NIC hướng đến mục tiêu không chỉ nuôi dưỡng một hệ sinh thái sôi động và hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam mà còn thúc đẩy liên kết với các đối tác toàn cầu thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế.

Trong khuôn khổ hội chợ, các công ty khởi nghiệp đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, y tế, giáo dục, bảo hiểm, kho vận, thương mại điện tử, an ninh mạng, quản lý bất động sản… 13 công ty khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có cơ hội giới thiệu, học hỏi và hợp tác với các đối tác ASEAN và Nhật Bản, thúc đẩy sự phát triển chung.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bangkok, anh Lê Quang Hiệp, đại diện startup công nghệ Xphenikaa, cho biết, công ty của anh mang tới hội chợ 3 sản phẩm nổi bật là robot cho các nhà máy, công xưởng, ô tô tự hành để phục vụ vận tải thông minh và drone tự hành. Trong đó, drone tự hành của Xphenikaa sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là không cần phi công điều khiển mà có thể tự bay và quay về trạm sạc. Xphenikaa hiện đã triển khai drone tự hành tại một cánh rừng ở tỉnh Hà Tĩnh và các dữ liệu máy bay thu thập được qua hoạt động bay hàng ngày có thể giúp phát hiện cháy rừng cũng như hoạt động chặt cây, xâm lấn rừng. Tham dự hội chợ này, Xphenikaa mong muốn tìm được đối tác, nhà đầu tư chiến lược để cùng hợp tác trong đầu tư công nghệ, đầu tư tài chính để thúc đẩy sản phẩm ra thị trường Việt Nam và toàn cầu.

Cũng tại hội chợ, anh Lê Công Thành thuộc NIC cho biết, sự tham gia của các startup Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại hội chợ này cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam rất năng động, phong phú và đang hoạt động mạnh mẽ. Qua sự kiện lần này, Trung tâm cũng luôn sẵn sàng hợp tác và kết nối với các startup Đông Nam Á, giúp họ tiến vào thị trường Việt Nam, đặc biệt tham gia hệ sinh thái của NIC với nhiều ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng và thị thực lao động.